Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long là bảo tàng cổ vật tư nhân ra đời đầu tiên ở Việt Nam. Bảo tàng có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Bảo tàng chịu sự quản lý nhà nước về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Bảo thực hiện đúng các quy định của Luật Di sản Văn hoá.
Bảo tàng hiện nay là nơi lưu giữ hơn 16.000 đơn vị hiện vật đa dạng, phong phú về chất liệu và loại hình, có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội. Có thể kể đến như sưu tập đồ đồng thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn, sưu tập trống đồng, trống minh khí, sưu tập đồ gốm, sưu tập tem, sưu tập sách cổ… Ngoài ra, Bảo tàng còn lưu giữ một số cổ vật thuộc các nền văn hóa ở khu vực Đông Nam Á.
Thông qua hệ thống trưng bày, Bảo tàng phục vụ công tác giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa, học tập, nghiên cứu khoa học, tham quan du lịch và hưởng thụ văn hoá của nhân dân trong, ngoài tỉnh và du khách nước ngoài.
Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long tổ chức sưu tầm, trao đổi, hợp tác, giao lưu về nghiệp vụ ở một số địa phương trong tỉnh, bảo tàng các tỉnh và trung ương.
Bảo tàng tham gia nghiên cứu và tổ chức đúc phục dựng trống đồng và một số hiện vật bằng đồng theo phương pháp thủ công truyền thống.
Bảo tàng sưu tầm, lưu giữ và giới thiệu một số ngôi nhà cổ truyền thống của người nông dân vùng đồng bằng và một số ngôi nhà sàn cổ của người dân tộc Thái, dân tộc Mường ở Thanh Hóa.
Hiện nay, Bảo tàng đang lưu giữ hơn 300 tấn đá màu quý và bán quý, bảo lưu một số loại gen cây quý ở Thanh Hoá.
Ngoài ra, Bảo tàng còn sưu tầm, bảo quản, phục chế và trưng bày một số nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và một số dụng cụ trong sinh hoạt của người nông dân. Tổ chức bảo lưu một số nghề sản xuất nông cụ thủ công truyền thống.