Cấu trúc trưng bày của Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang gồm phần khánh tiết, phần trưng bày cố định với 3 chủ đề lớn và phần trưng bày chuyên đề: Phần khánh tiết: Là không gian trung tâm của Bảo tàng, được thể hiện bằng hình tượng và giải pháp nghệ thuật tập trung làm nổi bật biểu trưng của tỉnh Tuyên Quang - "Thủ đô Khu Giải phòng", "Thủ đô Kháng chiến". Chủ đề I: Vùng đất và con người Tuyên Quang: Khái quát điều kiện tự nhiên, tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh Tuyên Quang; bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Chủ đề II: Tuyên Quang thời tiền sử - sơ sử - lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước: Phác thảo bức tranh về đời sống của cư dân tiền sử - sơ sử Tuyên Quang thông qua các bộ sưu tập hiện vật phát hiện tại một số di tích khảo cổ tiêu biểu thuộc thời đại đá cũ, đá mới, kim khí ở Tuyên Quang; trưng bày giới thiệu các nguồn sử liệu, thư tịch, cổ vật của các triều đại phong kiến Lý - Trần - Lê - Nguyễn nhằm thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân các dân tộc Tuyên Quang, luôn hoàn thành sứ mệnh là "phên dậu" trấn giữ vùng biên ải phía Bắc của Tổ quốc. Chủ đề thứ III: "Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến" và trên con đường xây dựng Chủ nghĩa xã hội: Tuyên Quang "Thủ đô Khu Giải phóng", "Thủ đô Kháng chiến" với các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc diễn ra tại Tuyên Quang trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; Những đóng góp của quân và dân Tuyên Quang trong sự nghiệp xây dựng hậu phương, xây dựng XHCN ở miền Bắc và góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; đường lối đổi mới của Đảng và sự tìm tòi sáng tạo của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để đưa Tuyên Quang từng bước đi lên cùng cả nước. Phần trưng bày chuyên đề: Trưng bày các sưu tập hiện vật của bảo tàng; các triển lãm chuyên đề phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương trong các thời kỳ và phối hợp với các bảo tàng trong cả nước tổ chức trưng bày chuyên đề.
|