I- Khái quát về sự hình thành và phát triển của Bảo tàng: Bảo tàng được xây dựng theo kiểu kiến trúc hiện đại, mang biểu tượng của đài chiến thắng vinh quang. Bảo tàng là địa chỉ văn hóa lịch sử tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội, nằm trong tổng thể không gian văn hóa di tích lịch sử “Hồ Hữu Tiệp và xác máy bay B-52”, làng hoa cổ truyền Ngọc Hà. II- Khái quát nội dung trưng bày: Nằm trong khuôn viên có diện tích 4567m2, Bảo tàng Chiến thắng B-52 hiện đang lưu giữ và trưng bày 3.595 tư liệu, hiện vật. 1. Phần trưng bày trong nhà: Diện tích 1.500m2 a) Trưng bày tầng 1: Gồm phần khánh tiết và các chủ đề * Phần khánh tiết: +Trưng bày bức phù điêu gò đồng khắc họa biểu tượng Thủ đô ngàn năm văn hiến, truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”;Cụm tượng “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” mang đậm nét đặc trưng của lực lượng vũ trang Thủ đô gồm 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. * Chủ đề 1: Thăng Long - Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến và anh hùng. Trưng bày giới thiệu sự kiện định đô của Hoàng đế Lý Công Uẩn vào năm 1010 tại Thăng Long – Hà Nội . Thăng Long – Rồng bay trở thành biểu trưng của Hà Nội, vừa mang khí thế vươn lên mạnh mẽ, vừa chứa đựng ý niệm thiêng liêng về cội nguồn dân tộc con rồng, cháu tiên. Thăng Long – Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của cả nước và tiêu biểu cho tinh thần chống giặc ngoại xâm của cha ông ta. Người xem sẽ được chiêm ngưỡng bức phù điêu khắc họa một số công trình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội: Khuê Văn Các, chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, cầu Long Biên… Một số vũ khí chống giặc ngoại xâm được khai quật tại Giảng Võ trường, Hà Nội. *Chủ đề 2: Lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trưng bày giới thiệu các đội tiền thân của lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội ra đời, xung kích đi đầu và làm nòng cốttổng khởi nghĩagiành chính quyền trong Cách mạng tháng 8 năm 1945. Lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội cùng nhân dân chống thù trong giặc ngoài bảo vệ chính quyền cách mạng, chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đặc biệt là cuộc chiến đấu 60 ngày đêm mở đầu toàn quốc kháng chiến. Chiến đấu giam chân địch trong thành phố với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” (19/12/1946 –17/ 02/1947) làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, bảo vệ tuyệt đối an toàn cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện cho cả nước có thời gian thực hiện kháng chiến lâu dài, góp phần không nhỏ vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954. Kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng Thủ đô Hà Nội 10/10/1954. *Chủ đề 3: Lực lượng vũ trang thủ đô Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trưng bày giới thiệu Quân và dân Thủ đô vừa sản xuất, vừa chiến đấu, tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam. Lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ với lực lượng phòng không, không quân quốc gia đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ mà đỉnh cao là cuộc chiến đấu 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, lập nên kỳ tích“Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” thực hiện xuất sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52, hay Bê gì đi chăng nữa chúng ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”. Chiến thắng này đã chứng minh sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Qua đó khẳng định sự lớn mạnh vượt bậc của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam của các lực lượng Phòng không, Không quân, Dân quân tự vệ và Công an, Dân phòng bảo vệ Thủ đô. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng. *Chủ đề 4: Lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội dù bất luận trong hoàn cảnh nào luôn giữ vững niềm tin và tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và bác Hồ đã lựa chọn. Ra sức phấn đấu xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh toàn diện, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô văn minh, giàu đẹp, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trưng bày thể hiện: Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với lực lượng vũ trang Thủ đô; Lực lượng vũ trang Thủ đô trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, trong công tác Chính trị, đảm bảo hậu cần, kỹ thuật và công tác đối ngoại quân sự. b) Trưng bày tầng 2: *Chuyên đề: “Không quân chiến lược Mỹ- Âm mưu, tội ác và sự trừng phạt” Chuyên đề trưng bày gần 200 hiện vật, hình ảnh, tài liệu giới thiệu những âm mưu, tội ác của đế quốc Mỹ trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 ở Thủ đô Hà Nội. Người xem được nhìn thấy cảnh máy bay B.52 Mỹ ném bom rải thảm khu phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai… giết hại nhiều người dân vô tội. Nhân dân ta có câu “Kẻ gieo gió thì ắt gặt bão” 32 máy bay Mỹ phải tan xác trên bầu trời Hà Nội, nhiều tên giặc lái phải đền tội. Tại đây người xem có thể được tận mắt chứng kiến sưu tập trang bị của phi công Mỹ: Cờ cứu mạng, máy bộ đàm, súng bắn pháo hiệu, sách hướng dẫn tự cứu... ; Cảnh sinh hoạt, trang bị của phi công Mỹ trong nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội; Hình ảnh trao trả phi công Mỹ tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, thể hiện tinh thần văn hóa nhân đạo của Chính phủ và nhân dân Việt Nam. *Chuyên đề: “Thế giới với Việt Nam, cả nước với Hà Nội”. Trưng bày giới thiệu phong trào nhân dân thế giới, nhân dân tiến bộ Mỹ ủng hộ nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược. Người xem còn được nhìn thấy những cuộc mít tinh, hội nghị, hội thảo của nhân dân các nước trên khắp các châu lục phản đối chính quyền Mỹ xâm lược Việt Nam, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Nhiều lá cờ, biểu ngữ…vật phẩm các loại của các tổ chức và nhân dân khắp thế giới biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân Việt Nam. Hà Nội là trái tim của cả nước, cả nước luôn hướng về Hà Nội. Hà Nội bình tĩnh, tự tin, chiến đấu và chiến thắng. *Sở Chỉ huy phòng không nhân dân Thành phố Hà Nội Trưng bày mô phỏng theo tỷ lệ 1/1 phòng làm việc của các đồng chí trong kíp trực Sở Chỉ huy phòng không nhân dân Thành phố Hà Nội, là trung tâm chỉ huy, chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Thủ đô và Hội đồng phòng không nhân dân thành phố Hà Nội trong việc chỉ huy đánh địc, báo động, báo an, sơ tán…Chính lời thông báo: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địc bay cách Hà Nội 40,60km…Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu, đồng bào tìm nơi ẩn nấp…” cũng được phát ra từ đây. *Sa bàn trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Sa bàn kết hợp với phim 3 màn hình diễn tả diễn biến trận “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12/1972. 2. Khu trưng bày ngoài trời: Diện tích 4.000m2 *Trưng bày các vũ khí, khí tài lập công của quân dân Thủ đô trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại đế quốc Mỹ vào Hà Nội, đặc biệt trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972. * Xác các máy bay B-52 của Mỹ bị quân dân Thủ đô Hà Nội bắn rơi trong 12 ngày đêm được lắp đặt theo hình dạng: Thân dài 49,05m; Sải cánh: 56,39m. Bảo tàng Chiến thắng B-52 rất hân hạnh được đón tiếp và phục vụ khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, học tập./. |
|